Ở thời điểm hiện tại đang có rất nhiều bà con nông dân mong muốn tiến hành lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho gia đình. Tuy nhiên có một số vấn đề khiến bà con vẫn còn phân vân và chưa thể đưa ra được quyết định. Trong đó thì vấn đề về chi phí luôn khiến bà con bận tâm nhất. Những câu hỏi như: Đầu tư một hệ thống tưới thì mất khoảng bao nhiêu? Nên mua những vật tư nào? Làm thế nào để tiết kiệm được chi phí? luôn thường trực.
Trong bài viết này, BONSAIMIENNAM xin chia sẻ với quý bà con các bước để có thể tính toán chi phí cho hệ thống tưới. Từ đó có những quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình.
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH NHỮNG YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH ĐẾN CHI PHÍ CỦA HỆ THỐNG TƯỚI:
Thông thường chi phí của hệ thống tưới thường bao gồm:
- Chi phí các loại vật tư trong hệ thống (tạm gọi là tiền vật tư).
- Chi phí thi công, lắp đặt (tạm gọi là tiền công lắp đặt).
- Chi phí vận chuyển, tiền nhà xe, tiền cước gửi hàng (tạm gọi là tiền vận chuyển).
Trong đó:
- Tiền vật tư phụ thuộc vào việc sử dụng những loại vật tư nào, số lượng bao nhiêu, giá thành bao nhiêu.
- Tiền công lắp đặt thường tùy vào từng địa phương, tùy vào điều kiện đất đai, độ dốc, khí hậu. Để tiết kiệm, bà con có thể tự mua vật tư về lắp hoặc thuê thêm một kỹ thuật từ bên bán vật tư về hỗ trợ tính công theo ngày.
- Tiền vận chuyển phụ thuộc vào khoảng cách từ nhà cung cấp tới vườn và hình thức vận chuyển.
Chi phí cho hệ thống tưới chủ yếu gồm tiền vật tư, tiền công lắp đặt và tiền vận chuyển. (hình: Tưới cho cây bưởi với béc BS5000-Mini-V2)
BƯỚC 2: TÍNH CHI PHÍ VẬT TƯ:
Chi phí vật tư = số lượng x giá thành.
Để tính chi phí vật tư, bà con cần liệt kê tất cả các loại vật tư cần có trong hệ thống tưới của mình, sau đó tính toán cần số lượng bao nhiêu và mua với giá bao nhiêu.
Để đảm bảo mua đúng loại vật tư phù hợp cũng như tiết kiệm chi phí, bà con nên:
2.1 XÁC ĐỊNH RÕ NHU CẦU VÀ LÊN DANH SÁCH CÁC LOẠI VẬT TƯ CẦN THIẾT:
Đầu tiên, bà con cần xác định rõ nhu cầu về hệ thống tưới của gia đình. Cụ thể chúng ta đi trả lời các câu hỏi sau:
- Vườn trồng cây gì? Tổng số lượng là bao nhiêu cây? Quy cách trồng như thế nào?
- Có tất cả bao nhiêu hàng cây? Hàng dài bao nhiêu? Mỗi hàng có bao nhiêu cây?
- Diện tích vườn ra sao? (Dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu).
- Đất có dốc không? Nếu có thì độ dốc thế nào?
- Nguồn nước lấy từ đâu? Có dồi dào không?
- Số tiền có thể bỏ ra để làm hệ thống tưới là bao nhiêu?
Sau khi nắm rõ các nhu cầu của gia đình, bà con sẽ xác định được hệ thống tưới của mình sẽ gồm những gì.
Thông thường một hệ thống tưới sẽ gồm có:
- Máy bơm để bơm nước.
- Bộ lọc để lọc tạp chất.
- Ống chính (dùng ống PVC hoặc HDPE)
- Ống nhánh (dùng ống LDPE hoặc ống PVC cỡ nhỏ).
- Bộ béc tưới (gồm béc, ống PE, khởi thủy và chân cắm) hoặc gắn trực tiếp béc vào đường ống.
Xác định rõ nhu cầu của gia đình giúp chọn đúng các loại vật tư phù hợp. (hình: Tưới cho cây macca với béc bù áp BS5000-Pro)
2.2: CHỌN CÁC LOẠI VẬT TƯ
Đây là bước rất quan trọng, quyết định chi phí của hệ thống tưới sẽ rơi vào khoảng nào.
Đầu tiên, bà con chọn thông số vật tư theo hướng dẫn sau:
- Lựa chọn lưu lượng béc tưới: Bên cạnh loại béc tưới thì lưu lượng béc tưới cũng là yếu tố cần quan tâm. Lưu lượng béc thể hiện tổng lượng nước tưới ra trong một giờ. Béc có lưu lượng càng cao thì tưới càng nhanh đủ nước, tuy nhiên tổng số béc tưới được mỗi lần lại càng ít.
- Lựa chọn kích cỡ đường ống nhánh (LDPE): Tính tổng lưu lượng trên đường ống để chọn cỡ ống nhánh. Ví dụ trên đường ống có 20 béc lưu lượng 30 l thì tổng lưu lượng trên đường ống là 20x30 =600 l. Khi đó sử dụng ống ɸ16mm (tải tối đa 800 l). Nếu lưu lượng lớn hơn sẽ sử dụng ɸ20mm (tải tối đa 1.100 l), ɸ25mm (tải tối đa 2.400 l)
- Lựa chọn cỡ ống chính: Tính tổng lưu lượng tưới mỗi lần để chọn cỡ ống chính. Ví dụ mỗi lần tưới 400 béc, béc lưu lượng 30 l thì tổng lượng nước tưới sẽ là 400x30 = 12.000 l = 12 khối. Khi đó sử dụng ống PVC ɸ49 (10-15 khối/giờ), Nếu lưu lượng lớn hơn sẽ sử dụng ống PVC ɸ60 (15-25 khối/giờ), ống PVC ɸ90 (25-35 khối/giờ)....
- Lựa chọn máy bơm và bộ lọc: Tùy vào tổng lưu lượng tưới và chiều dài đường ống, địa hình... để chọn máy bơm. Tốt nhất nên chọn loại máy bơm có thông số lớn hơn 20-30% so với con số tính toán. (Ví dụ mỗi lần tưới 400 béc lưu lượng 30 l và đi xa 200m bằng ống PVC 49. Tổng lượng nước tưới mỗi lần là 12 khối. Khi đó nên chọn loại máy bơm có lưu lượng lớn hơn 15 khối và cột áp trên 30m). Tiếp đến chọn bộ lọc (lưu ý lưu lượng lọc phải lớn hơn 20% lưu lượng máy bơm.
Tiếp đến, với mỗi loại vật tư lại có nhiều sản phẩm khác nhau đến từ những nhà sản xuất khác nhau. Tùy điều kiện cụ thể mà bà con chọn sản phẩm phù hợp. Trong đó nên chọn mua sản phẩm chất lượng, uy tín và đã được nhiều người tin dùng.
Bà con cũng nên liên hệ tới đội ngũ bán hàng, hỗ trợ kỹ thuật của các công ty để được tư vấn kỹ hơn về sản phẩm.
2.3. TÍNH TOÁN GIÁ THÀNH.
Sau khi chọn được các loại vật tư, bà con tính toán số lượng cần mua, liên hệ bên cung cấp để nhận được báo giá cụ thể. Từ đó chúng ta sẽ tính toán được tổng chi phí vật tư của hệ thống tưới.
BƯỚC 3: TÍNH CHI PHÍ LẮP ĐẶT:
Tùy vào từng địa phương, từng điều kiện thực tế tại vườn mà tiền công lắp đặt sẽ có sự khác nhau. Ví dụ tiền công lắp ở địa hình đồi dốc sẽ cao hơn ở đất bằng, thi công vào ngày mưa sẽ tốn công hơn vào những ngày nắng.
Để tiết kiệm, bà con có thể tự mua vật tư về lắp đặt theo các hướng dẫn kỹ thuật của chúng tôi. Hoặc cũng có thể đề nghị đội ngũ kỹ thật tới hướng dẫn và hỗ trợ (tính phí theo ngày).
Tại BONSAIMIENNAM, chúng tôi có các đại lý và đội thi công trên khắp mọi miền tổ quốc, nếu bà con cần hỗ trợ vui lòng liên hệ tới các số điện thoại hotline, chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ.
Một số hình ảnh các đối tác của BONSAIMIENNAM thi công hệ thống tưới trên khắp mọi miền tổ quốc.
BƯỚC 4: TÍNH CHI PHÍ VẬN CHUYỂN VÀ CÁC KHOẢN PHÍ KHÁC:
Tiền vận chuyển phụ thuộc vào khoảng cách từ nhà cung cấp tới vườn và hình thức vận chuyển. Thường thì vận chuyển qua chành xe thường cước sẽ rẻ hơn so với qua đường bưu điện.
Ngoài các khoản chi phí trên cũng có thể phát sinh các loại chi phí khác như chi phí thuê dụng cụ lắp đặt, chi phí đi lại...
BƯỚC 5: TỔNG KẾT:
Sau khi tính toán tất cả các khoản chi phí kể trên, chúng ta sẽ có một bảng tổng kết chi phí cho hệ thống tưới.
Với bảng tổng kết chi tiết này, bà con sẽ dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị nguồn tài chính hoặc có những điều chỉnh, thay đổi.
Một góc hệ thống tưới cho cây bưởi ở Hậu Giang với béc BS5000-Mini.
Tin tức khác
- TƯỚI PHUN MƯA CỤC BỘ DƯỚI TÁN CHO CÂY MÍT (30-01-2020)
- TƯỚI PHUN MƯA CỤC BỘ CHO CÂY CHUỐI (21-06-2019)
- PHUN THUỐC TỰ ĐỘNG CHO CÂY SẦU RIÊNG (24-05-2019)
- CHỌN HỆ THỐNG TƯỚI CHO CÂY BƯỞI (29-08-2017)
- TƯỚI PHUN MƯA CỤC BỘ DƯỚI TÁN CHO SẦU RIÊNG (24-09-2020)
- PHUN THUỐC TỰ ĐỘNG CHO CÂY MÍT (25-05-2019)
- 7 NGUYÊN TẮC VÀNG KHI CHỌN MUA BÉC TƯỚI PHUN MƯA CHO CÂY ĂN TRÁI (30-10-2020)
- TƯỚI PHUN MƯA CỤC BỘ DƯỚI TÁN CÂY BƯỞI (29-05-2019)